Chiến lược của Không quân Đức Không_chiến_tại_Anh_Quốc

Không quân Đức trước giờ vốn được sử dụng để tiến hành hỗ trợ về chiến thuật cho lục quân trên chiến trường. Trong các chiến dịch chiến tranh chớp nhoángBa Lan, Đan Mạch và Na Uy hay tại Pháp, Hà LanBỉ, Luftwaffe đã có được sự phối hợp hoàn hảo với Wehrmacht. Thế nhưng trong Trận chiến nước Anh, Luftwaffe lại phải đóng một vai trò chiến lược vốn không phù hợp. Nhiệm vụ chính của không quân Đức là phải đảm bảo ưu thế trên không ở miền đông nam Anh, mở đường cho hạm đội tiến hành xâm lược.

Luftwaffe đã được tái tổ chức sau Trận chiến nước Pháp thành 3 Tập đoàn quân Không quân (Luftflotte) tại hai mặt trận miền nam và miền bắc nước Anh. Tập đoàn quân Không quân số 2, do Thống chế Albert Kesselring chỉ huy, chịu trách nhiệm oanh tạc miền đông nam Anh và khu vực London. Tập đoàn quân Không quân số 3 dưới quyền thống chế Hugo Sperrle nhằm vào miền Tây Nam (West Country), xứ Wales, miền trung (Midlands) và tây bắc xứ Anh. Tập đoàn quân Không quân số 5 của thượng tướng Hans-Jürgen Stumpff đặt tổng hành dinh tại Na Uy có mục tiêu là miền bắc xứ AnhScotland. Khi cuộc chiến leo thang, phân công mục tiêu có thay đổi, Tập đoàn quân Không quân số 3 phụ trách thêm việc oanh tạc ban đêm trong khi nhiệm vụ chiến đấu ban ngày chuyển bớt sang cho Tập đoàn quân Không quân số 2.

Ban đầu Không quân Đức ước tính rằng cần 4 ngày để đánh bại Bộ tư lệnh Tiêm kích RAF ở miền nam nước Anh. Sau đó là cuộc tấn công kéo dài 4 tuần lễ với các máy bay ném bom và máy bay tiêm kích tầm xa sẽ phá hủy toàn bộ cơ sở quân sự và tàn phá nền công nghiệp máy bay của Anh quốc. Chiến dịch này được lên kế hoạch sẽ bắt đầu bằng đòn tấn công vào các sân bay gần bờ biển, rồi dần dần tiến sâu vào nội địa để tấn công vành đai các sân bay bảo vệ London. Sau đó Luftwaffe đánh giá lại là phải mất 5 tuần lễ từ ngày 8 tháng 8 đến 15 tháng 9 để thiết lập ưu thế trên không tạm thời tại Anh.[110] Để đạt được mục tiêu này, Bộ tư lệnh Tiêm kích phải bị tiêu diệt, cả trên không lẫn trên bộ, trong khi Không quân Đức vẫn phải được bảo toàn sức mạnh để có thể hỗ trợ cuộc tấn công sau đó; có nghĩa là Luftwaffe cần phải duy trì một "tỷ lệ tiêu diệt" cao trước các tiêm kích của RAF. Lựa chọn duy nhất để đạt ưu thế trên không là một chiến dịch ném bom khủng bố nhằm vào thường dân, nhưng nó chỉ được coi là một phương sách cuối cùng và đã bị Hitler tuyệt đối ngăn cấm trong giai đoạn này của cuộc chiến.[110]

Không quân Đức nói chung đều tuân theo kế hoạch này, nhưng trong các chỉ huy lại có những quan niệm khác biệt về chiến lược. Sperrle muốn diệt trừ các cơ sở hạ tầng phòng không bằng đòn ném bom oanh tạc. Trái lại, Kesselring đòi đánh trực tiếp vào London để tấn công chính phủ Anh nhằm buộc họ quy phục hoặc lôi kéo lực lượng tiêm kích của RAF vào một trận chiến quyết định. Göring đã không làm gì để giải quyết bất đồng này giữa các viên tư lệnh của mình, và chỉ có những chỉ thị mơ hồ được đưa ra trong thời kỳ đầu của cuộc chiến, khi mà có vẻ Göring không thể quyết định được là sẽ theo đuổi chiến lược nào.[111] Ông ta đôi khi dường như bị ám ảnh về việc duy trì quyền lực các nhân của mình trong Luftwaffe và giữ mãi một niềm tin đã lỗi thời về không chiến, mà sau này đã dẫn đến những sai lầm về chiến thuật và chiến lược.

Chiến thuật

Messerschmitt Bf 109E

Chiến thuật của Luftwaffe chịu ảnh hưởng từ các máy bay tiêm kích của họ. Máy bay Bf 110 tỏ ra rất dễ bị tổn thương trước những chiếc tiêm kích một động cơ nhanh nhẹn của RAF. Điều này có nghĩa là phần lớn nhiệm vụ hộ tống của máy bay tiêm kích được dành cho loại Bf 109. Các chiến thuật tiêm kích gặp rắc rối khi các phi hành đoàn ném bom đòi hỏi sự bảo vệ chặt chẽ hơn. Sau những trận đánh ác liệt trong các ngày 15 và 18 tháng 8, Göring đã có cuộc gặp với chỉ huy các đơn vị. Cuộc họp này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cho các máy bay tiêm kích hội ngộ kịp thời với các máy bay ném bom. Nó cũng quyết định là một Nhóm (Gruppe) ném bom chỉ được bảo vệ đầy đủ khi có nhiều Nhóm máy bay Bf 109 hộ tống. Ngoài ra Göring đã quy định rằng cần có càng nhiều máy bay tiêm kích còn rảnh tay càng tốt để thực hiện nhiệm vụ Freie Jagd ("Săn tự do") - một "đòn quét tiêm kích" lưu động đi trước nhằm cố gắng đánh tan quân phòng thủ dọn đường cho cuộc tấn công chính. Các đơn vị Ju 87, vốn đã chịu những tổn thất nặng nề, sẽ chỉ được huy động trong điều kiện thuận lợi.[112] Vào đầu tháng 9, do các phi hành đoàn ném bom không ngừng khiếu nại rằng các máy bay tiêm kích của RAF dường như có thể xuyên qua các vòng hộ tống, Göring đã ra lệnh tăng cường chặt chẽ hơn nhiệm vụ hộ tống. Quyết định này đã ràng buộc nhiều máy bay Bf 109 với các máy bay ném bom, và, mặc dù thành công hơn trong việc bảo vệ lực lượng ném bom, thiệt hại về máy bay tiêm kích tính ra lại chiếm phần lớn vì chúng buộc phải bay và tác chiến với tốc độ hạn chế.[113]

Luftwaffe đã liên tục thay đổi chiến thuật trong nỗ lực nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ của RAF. Họ đã tung ra rất nhiều đội máy bay Freie Jagd để thu hút các tiêm kích của RAF. Thế nhưng các nhà quản lý tiêm kích RAF thường vẫn có thể phát hiện ra điều đó cũng như vị trí của các đội bay để tránh chúng, theo đúng kế hoạch của Dowding là bảo toàn sức mạnh tiêm kích cho những đội hình máy bay ném bom. Luftwaffe cũng đã thử sử dụng các đội hình ném bom nhỏ làm mồi, và bảo vệ chúng bằng một lượng nhỏ máy bay hộ tống. Chiến thuật này có thành công hơn, nhưng nhiệm vụ hộ tống buộc các máy bay tiêm kích phải bay với tốc độ chậm của máy bay ném bom khiến chúng gặp nhiều nguy hiểm hơn.

Đến tháng 9, những chiến thuật đột kích tiêu chuẩn đã được kết hợp lại để trở thành một phương pháp hỗn hợp. Một chiếc Freie Jagd sẽ đi trước đội hình tấn công chính. Các máy bay ném bom sẽ bay ở độ cao từ 4.900 đến 6.100 mét, được hộ tống chặt chẽ bởi các máy bay tiêm kích. Máy bay hộ tống được chia làm hai phần (thường gọi là Nhóm - Gruppen), một số hoạt động chặt chẽ với máy bay ném bom, số khác bay cách vài trăm thước và cao hơn một chút. Nếu đội hình bị tấn công từ bên phải, cánh phải sẽ giao chiến với quân tấn công, phần đầu sẽ di chuyển sang bên phải và cánh trái sẽ chuyển lên vị trí đầu. Nếu bị tấn công vào mạn trái thì hệ thống phản ứng ngược lại. Các tiêm kích Anh đến từ phía sau sẽ bị chặn đánh bởi bộ phận sau lưng và hai cánh bên ngoài sẽ cùng di chuyển ra phía sau. Nếu mối đe dọa đến từ bên trên, phần đầu sẽ ứng chiến trong khi hai cánh lấy độ cao để có thể đuổi theo các tiêm kích Anh khi chúng bỏ đi. Khi bị tấn công, tất cả các bộ phận sẽ bay theo những vòng tròn phòng thủ. Chiến thuật này đã được khéo léo gây dựng và tiến hành, và rất khó để chống lại.[114]

Adolf Galland, viên chỉ huy thành công của phi đội 3, Không đoàn Tiêm kích 26 của Đức.

Adolf Galland cho rằng:

Chúng tôi có ấn tượng rằng, dù chúng tôi đã làm gì, chúng tôi cũng đã chắc chắn sai lầm. Sự bảo vệ của các máy bay tiêm kích đối với máy bay ném bom tạo ra nhiều vấn đề cần được giải quyết khi chiến đấu. Các phi công ném bom muốn được bao bọc chặt chẽ theo đó đội hình của họ được bao quanh bởi các cặp tiêm kích đi theo một đường ngoằn ngoèo. Rõ ràng, sự có mặt của các máy bay tiêm kích bảo vệ đem lại cho các phi công ném bom một cảm giác an toàn hơn. Tuy nhiên, đây là một kết luận sai lầm, vì một chiếc tiêm kích chỉ có thể tiến hành nhiệm vụ bảo vệ hoạt động hoàn hảo bằng cách chủ động tấn công. Họ không bao giờ nên chờ đợi cho đến khi bị tấn công vì sau đó sẽ mất cơ hội hành động.

Các phi công tiêm kích chúng tôi tất nhiên là muốn được tự do săn đuổi trong khi tiếp cận và tại các khu vực mục tiêu. Điều này đem lại sự hỗ trợ lớn nhất và sự bảo vệ tốt nhất cho lực lượng ném bom.

— [115]

Bất lợi lớn nhất mà các phi công Bf 109 phải đối mặt là nếu không có các thùng nhiên liệu phụ trợ tầm xa (chỉ được sử dụng với số lượng hạn chế vào thời kỳ cuối của cuộc chiến), thường có dung lượng 300 lít, máy bay Bf 109 chỉ có thể bay trong vòng 1 tiếng đồng hồ, và, với loại 109E, trong một giới hạn 600 km. Một khi đã vào không phận Anh, một phi công Bf 109 cần phải để mắt chú ý đến đèn hiệu màu đỏ báo hết nhiên liệu trên bảng đồng hồ: khi nó đã bật sáng thì họ buộc phải quay đầu trở lại Pháp. Với hai lượt bay dài qua biển, và tầm bay xa bị giảm đáng kể khi hộ tống các máy bay ném bom hay phải chiến đấu, các phi công tiêm kích Đức (Jagdflieger) đã gọi đó là Kanalkrankheit ("Eo biển bệnh tật").[116]

Tình báo

Luftwaffe đã hoạt động một cách kém hiệu quả do thiếu thông tin về hệ thống phòng thủ của Anh.[117] Ngành tình báo Đức đã bị đối phương chia rẽ và ngăn cản; thể hiện của họ chỉ ở mức "nghiệp dư".[118] Đến năm 1940, có rất ít tay sai của Đức hoạt động tại Anh và một số ít các nỗ lực nhằm cài gián điệp vào quốc gia này đã bị thất bại.[119]

Nhờ việc chặn bắt tín hiệu radio, người Đức bắt đầu nhận ra rằng các máy bay tiêm kích của RAF đang được điều khiển bởi các phương tiện trên mặt đất, trong tháng 7 và tháng 8 năm 1939, ví dụ như khí cầu Graf Zeppelin, có mang theo trang thiết bị để nghe trộm tín hiệu radio và radar của RAF, bay gần bờ biển nước Anh. Mặc dù Luftwaffe hiểu đúng được những thủ tục kiểm soát mặt đất mới này, họ lại đánh giá sai lầm rằng nó cứng nhắc và không hiệu quả. Hệ thống radar của Anh được không quân Đức biết đến từ những thông tin tình báo thu thập được trước chiến tranh, nhưng "Hệ thống Dowding" phát triển cao kết nối với ban chỉ huy tiêm kích vẫn được giữ bí mật an toàn.[120][121]Ngay cả khi có được thông tin tốt, như đánh giá tháng 11 năm 1939 của cơ quan tình báo quân sự Đức (Abwehr) về sức mạnh và khả năng của Bộ tư lệnh Tiêm kích của đơn vị Abteilung V, nó vẫn bị bỏ qua nếu không phù hợp với những dự kiến thông thường.

Ngày 16 tháng 7 năm 1940, đơn vị tình báo Abteilung V do trung tá "Beppo" Schmid chỉ huy đã trình một bản báo cáo về RAF và khả năng phòng thủ của Anh và được các tướng lĩnh mặt trận tiếp nhận làm nền tảng cho những kế hoạch tác chiến của họ. Một trong những khuyết điểm rõ rệt nhất của bản báo cáo là thiếu thông tin về hệ thống radar của RAF cũng như năng lực kiểm soát hệ thống của họ; nó cho rằng hệ thống này là cứng nhắc và không linh hoạt, khi mà các tiêm kích của RAF bị ràng buộc với những căn cứ ở trong nước.[122][123] Một kết luận lạc quan đến mức sai lầm đã được đưa ra như sau:

D. cung cấp tình hình... Hiện tại nền công nghiệp máy bay của Anh sản xuất khoảng từ 180 đến 300 máy bay tiêm kích dòng đầu và 140 máy bay ném bom dòng đầu mỗi tháng. Xét theo các điều kiện hiện tại liên quan đến sản xuất (xuất hiện những khó khăn về nguyên liệu thô, sự gián đoạn hoặc suy sụp về sản lượng tại các công xưởng do bị không kích, nguy cơ bị thiệt hại bởi không kích ngày một tăng do việc tái tổ chức về căn bản ngành công nghiệp máy bay còn đang hoạt động), có thể tin rằng vào thời điểm này sản lượng sẽ giảm nhiều hơn là tăng.

Trong trường hợp cuộc không chiến leo thang, có thể đoán rằng sức mạnh hiện tại của RAF sẽ bị suy yếu, và sự suy yếu đó sẽ trầm trọng thêm do những sụt giảm trong sản xuất.

— [123]

Tuyên bố này, được củng cố thêm bởi một bản báo cáo khác chi tiết vào hơn ngày 10 tháng 8, đã tạo ra một tư duy trong các đội ngũ của Không quân Đức rằng RAF sẽ bị cạn kiệt máy bay tiêm kích ở tiền tuyến.[122] Luftwaffe đã ước đoán thiệt hại của Bộ tư lệnh Tiêm kích nhiều 3 lần so với thực tế.[124] Nhiều lần, giới lãnh đạo tin rằng sức chiến đấu của Bộ tư lệnh Tiêm kích đã sụp đổ, để rồi cuối cùng nhận ra rằng RAF vẫn có thể vực dậy hệ thống phòng thủ của mình theo ý muốn.

Trong suốt cuộc chiến này, Luftwaffe đã phải tiến hành rất nhiều phi vụ trinh sát để bù đắp cho sự yếu kém về mặt tình báo. Máy bay trinh sát (ban đầu hầu hết là loại Dornier Do 17, sau đó có thêm Bf 110) đã dễ dàng trở thành con mồi cho tiêm kích Anh, do chúng ít có khả năng được hộ tống bằng máy bay Bf 109. Thế là Luftwaffe phải tác chiến "mò mẫm" trong phần lớn cuộc chiến, không xác định được sức chiến đấu, khả năng và sự triển khai thực tế của đối phương. Nhiều sân bay của Bộ tư lệnh Tiêm kích đã không hề bị tấn công, thay vào đó các cuộc tập kích nhằm vào sân bay được giả định là tiêm kích lại rơi vào cơ sở của máy bay ném bom hoặc phòng thủ bờ biển. Kết quả của những cuộc ném bom và không chiến trước sau đều được thổi phồng, do những yêu sách quá hăng hái và khó khăn của việc xác thực thông tin trên lãnh thổ địch. Trong không khí thoải mái về chiến thấng đạt được, giới lãnh đạo Luftwaffe ngày càng trở nên xa rời thực tế. Việc thiếu hụt khả năng của lãnh đạo và tin tức tình báo vững chắc khiến cho người Đức không thể áp dụng một chiến lược nhất quán, ngay cả khi RAF rơi vào thế cùng đường. Hơn nữa, họ không hề đặt trọng điểm tấn công một có hệ thống vào một loại mục tiêu (như căn cứ không quân, trạm radar, hay nhà máy sản xuất máy bay), do đó những kết quả may mắn đạt được lại càng bị giảm bớt hơn nữa.[125]

Hỗ trợ về hàng hải

Trong khi người Anh đang sử dụng hệ thống radar phòng không một cách hiệu quả hơn là người Đức có thể nhận ra, thì không quân Đức cũng đã cố gằng tận dụng ưu thế tấn công của mình với các hệ thống radio hàng hải tân tiến mà ban đầu Anh không phát hiện ra. Một trong số đó là hệ thống Knickebein ("chân cong"), được sử dụng vào ban đêm trong những cuộc đột kích cần độ chính xác cao. Nhưng hiếm khi nó được sử dụng trong Trận chiến nước Anh.[126]

Giải cứu không-biển

Luftwaffe đã được chuẩn bị tốt hơn so với RAF về công tác giải cứu không-biển, với đơn vị Seenotdienst (quân chủng giải cứu biển) được trang bị thủy phi cơ Heinkel He 59 được đặc biệt giao nhiệm vụ cứu vớt những phi hành đoàn bị bắn rơi tại biển Bắc, biển Mancheeo biển Dover. Ngoài ra, các máy bay của Luftwaffe còn được trang bị xuồng cứu sinh và các phi hành đoàn có dự phòng thêm những gói hóa chất fluorescein mà khi phản ứng với nước sẽ tạo ra một mảng lớn màu xanh lá cây sáng dễ nhìn thấy.[127]

Theo quy định của Công ước Genève, các máy bay He 59 không có trang bị vũ khí và phải sơn màu trắng với những ký hiệu đánh dấu đăng ký dân sự và chữ thập màu đỏ. Tuy vậy, máy bay của RAF vẫn tấn công các máy bay này, do đôi khi chúng vẫn được máy bay Bf 109 hộ tống.[128]

Sau khi nhiều chiếc He 59 đi lẻ bị tiêm kích Anh ép phải hạ cánh xuống biển trong các ngày 1 và 9 tháng 7,[128][129] một mệnh lệnh gây nhiều tranh cãi đã được ban hành đối với RAF vào ngày 13 tháng 7; quy định rằng từ ngày 20 tháng 7, các máy bay của đơn vị Seenotdienst phải bị bắn hạ. Một trong những lý do mà Churchill đưa ra là:

Chúng ta đã không nhận ra lực lượng giải cứu phi công này của đối phương khiến cho chúng lại có thể đến và ném bom vào thường dân vô tội của chúng ta một lần nữa... tất cả lực lượng giải cứu hàng không của Đức đều buộc phải hạ cánh hoặc bị bắn rơi bằng máy bay tiêm kích của ta theo như những mệnh lệnh rõ ràng đã được Nội các Chiến tranh chấp thuận.
— [130]

Bộ Hàng không đã chuyển một thông cáo đến chính phủ Đức vào ngày 14 tháng 7:

Chính phủ Hoàng gia Anh lúc này nhận thấy rằng máy bay địch có ký hiệu dân sự và đánh dấu chữ thập đỏ gần đây có bay qua các tàu của Anh trên biển và ở gần bờ biển Anh quốc, và rằng chúng đang được huy động vào những mục đích mà Chính phủ không thể xem là phù hợp với những đặc quyền nói chung của Phong trào Chữ thập đỏ.

Chính phủ yêu cầu phải để cho các máy bay cứu thương phù hợp dễ dàng với công tác vận chuyển thương bệnh binh muốn, theo quy định của Hội Chữ thập đỏ, và những máy bay tham gia trực tiếp vào công tác sơ tán thương bệnh binh sẽ được tôn trọng, miễn là họ tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước Geneva.

Tuy nhiên, Chính phủ không thể xét miễn trừ đối với các máy bay bay trên những khu vực mà có chiến sự đang tiếp diễn ở trên mặt đất hay trên biển; hoặc đang tiếp cận các lãnh thổ của Anh và Đồng minh, hay lãnh thổ dưới nằm sự chiếm đóng của Anh, hay các tàu bè của Anh hoặc Đồng minh.

Máy bay cứu thương nào không tuân theo những điều trên sẽ là tự chuốc lấy cho mình những nguy cơ và rủi ro.

— [131]

Những chiếc He 59 trắng chẳng mấy chốc đã được sơn lại thành màu ngụy trang và trang bị súng máy phòng thủ. Mặc dù sau đó có 4 chiếc He 59 khác đã bị máy bay RAF bắn hạ,[132] đội Seenotdienst đã tiếp tục giải cứu các phi hành đoàn bị rơi của Luftwaffe và đồng minh của nó trong suốt cuộc chiến, và đã được Adolf Galland khen ngợi về lòng dũng cảm của họ.[133]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Không_chiến_tại_Anh_Quốc http://www.airforce.forces.gc.ca/v2/hst/page-eng.a... http://www.rcaf-arc.forces.gc.ca/v2/hst/page-eng.a... http://www.nfb.ca/playlist/its-oscar-time/viewing/... http://battleofbritainblog.com http://www.celebratebritain.com/ http://airlandseaweapons.devhub.com/blog/61173-fai... http://www.economist.com/blogs/easternapproaches/2... http://www.firstworldwar.com/bio/ashmore.htm http://www.life.com/image/first/in-gallery/24892/w... http://spitfiresite.com/2010/04/battle-of-britain-...